Những người không quen uống cà phê hoặc uống đậm đặc, uống quá nhiều thường dẫn tới tình trạng say như chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi và đặc biệt là cảm giác nôn nao... những điều này phần lớn là do caffeine gây ra. Ngoài ra, những lúc như thế, cơ thể bạn cũng sẽ bị nóng lên, tim đập nhanh hơn. Khi bị say cà phê, người ta dường như rất khó để bộ não có thể làm việc và tập trung suy nghĩ.
Vậy làm gì khi bị say cà phê?
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Cafein bản chất là một chất gây nghiện và là một độc tố, chất kích thích thần kinh... nó có nhiều trong thực phẩm và đặc biệt là ở cà phê.
Cafein là chất tan trong nước nên nếu uống nhiều về số lượng và mức độ đậm đặc sẽ gây độc hại cho thần kinh, gây cho con người cảm giác quá mức hưng phấn. Thêm vào đó cafein ở trong cà phê ngấm vào máu rất nhanh. Do đó có một giải pháp khá đơn giản, khi say cà phê cần uống nhiều nước lọc vì chất cafein ngấm vào máu rất nhanh nhưng lại dễ hòa tan trong nước và bài tiết qua nước tiểu. Vì thế uống nhiều nước sẽ giúp pha loãng cũng như bài tiết nhanh chất độc này.
Ngoài ra chúng ta có thể uống nhiều nước chè (chè tươi) loãng. Mặc dù trong chè cũng chứa cafein nhưng vì bản thân nó chứa hai hoạt chất theobromin, theophilin có tác dụng kích thích hoạt động của thận, lưu thông của máu nên lợi tiểu, do đó giúp quá trình thải lượng cafein trong cơ thể được nhanh hơn”.
Uống nước chè loãng để khắc phục tình trạng "say" cà phê.
Hoặc với những người bị “say” nhẹ, chỉ cần nghỉ ngơi và hít thở đều đặn. Đây là cách giúp cơ thể loại bỏ sự mệt mỏi, bồn chồn và những căng thẳng gây ra bởi cafein.
Một số lưu ý khi uống cà phê
- Theo Healthline, tiêu thụ ít hơn 400 mg cafein/ngày, tương đương ít hơn 3-4 cốc cà phê, đối với người trưởng thành khỏe mạnh là mức an toàn. Mặc dù lượng cafein trong các loại đồ uống thường dao động rất nhiều.
- Không uống cà phê khi bụng rỗng.
- Không uống cà phê quá đậm đặc.
- Phụ nữ có thai và cho con bú không nên uống cà phê.